Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014
G. G. Márquez, ngôi làng Macondo và xa hơn
Nguyễn Vĩnh Nguyên Gabriel García Márquez, nhà văn Columbia, tác giả Trăm năm cô đơn bị chứng mất trí nhớ từ năm 2013 và vừa từ biệt cõi đời hôm 17-4-2014, ở tuổi 87. Trong những ngày này, ngôi làng Macondo, một cõi nhân quần khép kín, nơi bảy đời dòng tộc Buendía từng tồn tại và biến mất, nơi đời sống từng chìm đắm trong mặc cảm thiếu sót và suy thoái trong Trăm năm đơn chiếc đã được các nhà phê bình và báo giới nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Macondo, cõi lưu đày, trước hết là một hư cấu mà Márquez thêm vào thế giới, nhưng đó lại là một phổ thông hiện thực hiển hiện trong thực tế thế giới ở kỷ nguyên đầy khủng hoảng bởi chiến tranh, chia cắt và những phép thử dã man về mô hình chính trị. Macondo lấp ló dáng dấp ngôi làng Aracataca bên vịnh Caribe, nơi quê nhà tuổi thơ của G.G.Márquez với những thị trấn xộc xệch, nhà thổ nhếch nhác, con đường lấm bùn, những chuyến tàu cũ kỹ rệu rã nối thông với thế giới bên ngoài, băng qua những đầm lầy, những đồn điền chuối ngút mắt... Ở đó, có những người già mòn mỏi bước ra các cuộc chiến với lẫm liệt huyền thoại trong các câu chuyện kể, đời sống dần mòn tiều tụy bởi sự lãng quên và tán gẫu. Nhưng Macondo của dòng họ Buendía trong Trăm năm đơn chiếc cũng là số mệnh những quốc gia, vùng lãnh thổ đóng chặt với thế giới bên ngoài theo một lời nguyền đầy phi lý nào đó. “Người ta không chết khi phải chết, mà sẽ chết khi nào có thể chết”, đại tá Aureliano Buendía (một hình mẫu của chính ông ngoại G.G.Marquéz), kẻ đã dự ba mươi hai cuộc nội chiến và đã thất bại hoàn toàn đã luận về cái chết như thế trong Trăm năm cô đơn. Và thực ra, không chỉ trong Trăm năm cô đơn, cái cô đơn, cái chết vốn là mảng chủ đề lớn xuyên qua hồ hết các tiểu thuyết lớn của Márquez (như: Ngài đại tá chờ thư, Mùa thu của trưởng lão hay hồi tưởng về những cô đĩ buồn của tôi...). Có lần G.G.Márquez nhấn trong suốt cuộc đời mình, ông chỉ viết một cuốn sách độc nhất, đó là cuốn sách viết về cái cô đơn. Sự đơn chiếc nhìn dòng dõi lụi tàn trước mắt, sự đơn chiếc vùi sâu trong thổn thức hoan lạc tình yêu của hai kẻ loạn dâm lo âu sẽ sinh ra một con người có đuôi heo, sự đơn chiếc của cái đẹp phải rời bỏ cõi người bị xô lệch bởi dục vọng, và rốt cục, là sự đơn chiếc của một đời sống bất an, dấn sâu trong hành trình ngược chiều tiến hóa, không viễn kiến ngày mai... Độc tài là một chủ đề lớn của văn học châu Mỹ Latinh vào cuối thế kỷ 20. Ở đó, có thể thấy những đại thụ của vùng văn học này đã tìm cách thế day trở trong sáng tác và tạo ra những sáng tạo lớn không chỉ ở giác độ biểu tượng mà còn về mặt phương pháp. Alejo Carpentier (Cuba) đã chọn siêu thực; Jose Luis Borges (Argentina) khẩn hoang mảnh đất hiện thực thần kỳ. Và Márquez là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực kì ảo. Sự khẩn hoang phương pháp sáng tác như một phương cách kéo giãn những huyền thoại dân gian phối trộn cùng thứ hiện thực phi lý của đời sống vào trong một mô hình, mà ở đó, cái kỳ ảo được mặc định là hiển nhiên tồn tại. Và Márquez đã sáng tạo hơn một ngôi làng, ông còn thêm vào văn học một phương pháp sáng tác có sức ảnh hưởng lớn với nhà văn ở các nước XHCN, khi tác phẩm của ông đặt chân đến. Cái hiện thực kì ảo của những sự cố trong ngôi làng Macondo có thể được phương Đông hóa trong các tác phẩm của Mạc Ngôn, Lý Nhuệ (Trung Quốc) hay thập thò ở một số nhà văn hiện đại khác tại Việt Nam. Gabriel García Márquez dù bị coi là nhà văn thiên tả, nhưng quan trọng hơn hết ông vẫn là kẻ đi đầu trong dòng văn chương chủ lưu về độc tài ở châu Mỹ Latinh. Chúng ta đọc ông để biết đòi hỏi và hoài vọng nhiều hơn vào nền văn chương của mình.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét