Các di chỉ khảo cổ trên đảo khẳng định “Những chủ nhân của nền văn hóa Sa Huỳnh từng có mặt ở Lý Sơn cách đây gần 3.000 năm”. Tư liệu lịch sử còn ghi lại, vào thế kỷ XV, nhà Lê trung hưng đã cho thủy quân lên đảo luyện tập. Những người Việt từ đất liền thuộc 15 dòng họ gọi là “thất tộc, bát hiền” đến sinh sống, lập ra phường An Hải, phường An Vĩnh và trở thành 15 tiền hiền của dân đảo. Thời Nguyễn, gọi là tổng Lý Sơn.
Thời Pháp thuộc có tên là Paulo Canton. Sau 1945 đổi tên là tổng Trần Thành gồm 2 xã Dương Sa và Vĩnh Long. Năm 1954, đổi thành Bình Vĩnh và Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn. Năm 1993 thành lập huyện Lý Sơn gồm 2 xã Lý Vĩnh và Lý Hải. Đến 2003, sau gần 200 năm thay tên đổi họ, Lý Sơn lấy lại tên xưa. Lý Sơn hiện có 3 xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình (tách từ xã An Vĩnh, do đặc điểm về địa lý). Tên “cúng cơm” của Lý Sơn là cù lao Ré, bởi xưa kia tên đảo có nhiều cây ré, một loại cây họ gừng, mọc hoang.
|
Lý Sơn gồm 2 đảo là đảo Lớn (đảo Lý Sơn) gồm 2 xã: An Hải, An Vĩnh và đảo Bé (cù lao Bờ Bãi) với xã An Bình. Ở đây có 5 ngọn núi thiêng, gọi là Ngũ Linh gồm Thới Lới, Hòn Tài, Hòn Sỏi, Hòn Vung, Giếng Tiên. Hàng chục triệu năm trước, đó là những miệng núi lửa. Anh cả của Ngũ Linh là Thới Lới sừng sững, có thể nhìn thấy từ đất liền. Miệng núi hình phễu ô van, đường kính hơn 500 m, trước là rừng nguyên sinh, giờ chỉ là lòng chảo, nhẩn nha bò gặm cỏ. Lý Sơn xưa có rừng bạt ngàn và nhiều suối, đẹp như tranh. Những suối Truông, suối Chình, suối Ốc và những rừng Bà Bút, rừng Cây Gạo, rừng Nhợ... nói lên phần nào sự đa dạng của nguồn lâm, thủy sản.
Do đặc trưng về địa lý và thổ nhưỡng, hành và tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp nước, “nhỏ nhưng có võ”, củ bé tẹo mà chất lượng tuyệt vời | ||
Dân Lý Sơn phải ăn gạo mua từ đất liền. Lúa đỏng đảnh không chịu sinh sôi. Đất Lý Sơn chỉ phải lòng các loại bắp, khoai, mía, đậu. Đặc biệt là hành và tỏi, loài thực vật có họ hàng xa với cây ré thuở xưa. Do đặc trưng về địa lý và thổ nhưỡng, hành và tỏi Lý Sơn nổi tiếng khắp nước, “nhỏ nhưng có võ”, củ bé tẹo mà chất lượng tuyệt vời. Chẳng thèm chấp tỏi và hành Trung Quốc, củ tổ chảng mà nhạt thếch. Tỏi Lý Sơn chính hiệu, ăn là ghiền. Độc đáo nhất là loại “tỏi cô đơn”, từng tép một, bằng đầu đũa mà giàu hương vị. Hình như bao nhiêu tinh túy của trời, đất, đá, gió đều dồn vào đó. Thiên hạ từng đem giống tỏi Lý Sơn vào trồng trong đất liền nhưng đều thất bại, củ lớn mà chất lượng kém hơn. Tỏi Lý Sơn khó tính. Đất lót phải là đất xám đỏ của núi lửa Lý Sơn. Phía trên rải cát biển tại chỗ. Đất và cát không được lẫn tạp chất. Rồi phải là gió và nước Lý Sơn mới thành thương hiệu “Tỏi Lý Sơn” được. Y học thế giới đã khẳng định “Nhân loại chưa có thuốc đặc trị chữa lành bệnh ung thư, nhưng có các thực phẩm chức năng phòng chống và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Một trong những thực phẩm chức năng đó là tỏi”. Dĩ nhiên phải ăn đúng cách và thường xuyên. Tỏi xắt thành từng lát mỏng, để ngoài gió chừng 20 phút, dưới tác dụng của không khí, tỏi sẽ tạo ra hoạt chất có tác dụng ức chế các tế bào ung thư rất hiệu quả.
|
Lý Sơn là đảo nhỏ, diện tích chưa tới 10 km 2 nhưng dân số trên 22.000 người, mật độ bình quân gấp 8 lần so với cả nước, cao nhất trong các đảo. Ngư nghiệp dù có số lao động ít hơn nông nghiệp nhưng của cải làm ra gấp 5 lần. Các núi trên đảo đều là miệng núi lửa. Đất toàn bazan xám đỏ. Đá magma một màu đen tuyền và đá ong nâu đỏ. Chợt nhớ đảo Jeju, Hàn Quốc, cũng nhiều nét tương đồng về thổ nhưỡng và địa chất nhưng cuộc sống quá nhiều khác biệt. Tôi đã đi thuyền qua xã An Bình, đảo Bé. Biển đẹp sững sờ với những rạn san hô lóng lánh. Từng bầy cá chuồn bay lên khỏi mặt biển chào đón khách. Nước trong xanh rợn người và cát trắng lóa mắt. Những ô ruộng lớn nhỏ được chia cắt bởi các bờ đá ong xếp chồng ngộ nghĩnh như tường thành trong trò chơi của tạo hóa.
Tôi luôn bị ám ảnh bởi những cô gái chân quê ở đảo Bé. Cứ chiều về là tất tả hồn nhiên ra biển tắm. Cả đảo không có điện. Nước ngọt phải chở từ đất liền ra, giá trên 200.000 đồng/m 3 , chỉ để uống và nấu ăn. Tắm, cứ ra biển rồi về nhà lau hoặc tráng lại nước ngọt. Thương lắm những mái tóc thề và làn da mật ngọt vì nước và gió biển. Bao đời nay vẫn vậy. Đoàn nào đến thăm cũng ghi nhận, hứa hẹn rồi ra về và người dân đảo Bé vẫn mỏi mòn hy vọng. Đến hè 2012, ước mơ của bà con mới được thỏa nguyện nhờ sự giúp đỡ của Tập đoàn Doosan, Hàn Quốc. Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD, công suất 100m3/ngày đã đi vào hoạt động, cung cấp cho mỗi người dân đảo 400 lít nước/ngày. Tha hồ tắm giặt, chẳng kém dân thị xã. Các nhà hảo tâm xứ sở kim chi còn tặng dân đảo 2 máy phát điện, mỗi máy giá 100.000 USD. Xa rồi một thời khốn khổ vì thiếu nước, thiếu điện. Chỉ buồn vì các đại gia Việt Nam. Số tiền không quá lớn mà phải cậy nhờ các nhà hảo tâm nước ngoài như vậy.
Từ năm 2007, du lịch Lý Sơn bắt đầu khởi động. Dù chỉ mới có những cơ sở lưu trú tạm đủ tiện nghi nhưng bù lại cảnh quan kỳ thú. Tha hồ tìm hiểu về thổ nhưỡng và địa chất núi lửa. Cứ thử sức chinh phục Ngũ Linh sơn để ngắm hoàng hôn và đợi bình minh, những thời khắc tuyệt đẹp. Bãi đá và những bờ ruộng đá ong ở đảo Bé, cổng tò vò ở đảo Lớn cùng các miệng núi lửa độc đáo, chẳng hề kém cạnh Jeju. Cảnh đẹp ở Lý Sơn không hoành tráng, đồ sộ mà cứ be bé xinh xinh và độc đáo, không lẫn vào đâu được. Từ các hang Câu, hang Cò, hang Kẻ Cướp đến đình làng An Hải, đền thờ cá Ông, giếng Tiên... Chùa Hang, được gọi là “Thiên Khổng Thạch Tự” - chùa trong hang đá do trời sinh, xây dựng cách đây gần 400 năm, gắn liền với lịch sử chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Trước chùa, những cây bàng vuông, còn gọi là bàng biển do các tráng sĩ mang giống từ Hoàng Sa về trồng, trải mấy trăm năm, vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt. Âm Linh tự, còn gọi là đền Hoàng Sa, là nơi thờ tự những dân binh trong đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải thời nhà Nguyễn đã có công khai phá quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đến Lý Sơn nhớ thắp hương cho các mộ gió (mộ không có xác mà chỉ là những hình nhân thế mạng), một nét văn hóa đặc thù gắn liền sự nghiệp bảo vệ lãnh hải. Từ những dân binh, tráng sĩ cho tới ngư dân đã bỏ mình dưới biển, cho tổ quốc bình yên và vẹn toàn. Đến Bảo tàng Lý Sơn để “mục sở thị” nhiều hiện vật sống động về chủ quyền biển đảo, về ý chí của cha ông, để củng cố thêm niềm tin vào chân lý.
Cuối tháng 4 này, nhân dân Quảng Ngãi và Lý Sơn tổ chức “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa”, nét văn hóa đặc sắc có từ thời nhà Nguyễn, gắn liền nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài Lý Sơn, Quảng Ngãi còn có di tích Trường Lũy, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... Các bảo tàng văn hóa Chăm, văn hóa Sa Huỳnh, bộ sưu tập súng thần công ở Khu du lịch Thiên Đàng và Chu Lai vừa được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam. Đừng quên thưởng thức các món ngon xứ Quảng như cá bống sông Trà, các món don Thu Xà, các món gỏi cá, gỏi rong biển, đặc biệt là gỏi tỏi Lý Sơn. Các món gà cũng rất đặc trưng Quảng Ngãi. Rồi kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi... Hẹn gặp các bạn tháng 4 này, ở Lý Sơn, để thấy cù lao Ré lạ mà quen, xa mà gần. |
Nguyễn Văn Mỹ
Công ty thám tử tư chuyên cung cấp các dịch vụ thám tử Uy tín, Bảo mật, Chuyên nghiệp – Bạn hãy cùng các Thám tử tư tài ba của Văn phòng thám tử tư Hà Nội khám phá thực hư các thông tin HOT và hấp dẫn nhất trong ngày nhé.
=>>> Xem thêm thông tin HOT tại :
Dich vu tham tu Thanh Dat - thamtuthanhdat.vn
Dịch vụ thám tử Thành Đạt
Tổ chức sự kiện Thành Đạt - topevent.vn
Cung cấp lái xe chuyên nghiệp - laixevip.com
Cung cấp dịch vụ Vệ sinh công nghiệp - vesinhsach.net
Các từ khóa :
thám tử, tham tu tu
dich vu tham tu, dịch vụ thám tử
cong ty tham tu, công ty thám tử Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét